Năm 22 tuổi Khải bị thoát vị đĩa đệm mà mất đến một năm sau mới hồi phục. Lúc đó anh tưởng chừng phải bỏ nghề vì hệ cơ lúc này rất yếu. Anh tập luyện nhiều bộ môn thể dục nhưng cuối cùng nhận thấy yoga là sự lựa chọn hợp lý. Yoga giúp anh điều chỉnh lại hệ cơ xương khớp nhưng không nắn trực tiếp mà tự lắng nghe cơ thể.
Khải cũng trải qua rất nhiều chấn thương xương khớp như trật cổ chân, trật cổ tay, trật khớp vai, giãn dây chằng đầu gối, căng cơ, thoái hóa đốt sống cổ... Anh trải qua nhiều bài tập cũng như phương pháp điều trị, từ pilates bóng, pilates giường, yoga, physiotherapy (vật lý trị liệu), chiropractor (chữa bệnh hệ vận động), osteopath (thuật nắn xương)...
Vũ Ngọc Khải (áo trắng) cùng bạn tập. Ảnh do nhân vật cung cấp
Kinh nghiệm của Khải, khi diễn viên bị chấn thương thì đầu tiên nên tìm đúng bác sĩ để trị liệu, rồi sử dụng kỹ năng cá nhân và tìm học hỏi thêm về cơ chế hoạt động của cơ thể. "Cơ thể con người có những yếu tố về cơ, xương, khớp nhất định. Một khi đã hiểu rõ về cơ chế này thì có thể kết hợp kiến thức để tự chữa cho cơ thể một cách hiệu quả nhất", nam diễn viên tâm sự.
Khải tập yoga lần đầu tiên tại Rotterdam, Hà lan. Một tuần đầu làm quen với yoga, anh cảm thấy mệt mỏi vì nhìn dễ mà luyện tập thì ngã xiêu vẹo. Khi đã quen tập thì dù đói và mệt vào cuối ngày, cơ thể như nạp lại năng lượng, cơ hết mỏi và phục hồi rất nhanh.
Anh cho biết yoga tốt nhất cho cơ chế hoạt động của cơ, đi sâu vào tầng sâu của cơ. Người tập sẽ quen với việc thả cơ như thế nào, nếu dùng cơ quá nhiều sức sẽ mỏi nhanh và đặc biệt co cơ, gây trạng thái tức rồi đau. Yoga chú trọng về thở, hồi phục khí. Anh cho rằng đa số người tập luyện để đẹp hình thể mà không để ý kết hợp hít thở. Nhiều huấn luyện viên cũng lơ là việc hướng dẫn hít thở. Tuy nhiên, cả khí và thể chất một khi cùng được xây dựng tốt thì sẽ có cơ thể khỏe mạnh. Theo Khải, nhiều bạn trẻ chọn tập yoga để khỏe và to cơ, nhìn đẹp, nhưng thở thực sự mới quyết định sức khỏe. Chuyển động hoàn hảo nhất là kết hợp nhịp nhàng với hít thở.
Diễn viên múa chú trọng tập thể thao. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Chấn thương khá thường gặp với Khải là dây chằng dãn do hoạt động thể dục quá mạnh, quá căng làm mất độ đàn hồi dẫn đến khả năng đi bộ kém. Tập yoga hỗ trợ điều trị chấn thương này, mỗi lần kéo dãn sẽ đau nhưng khi vượt qua cái đau, sau 3 tháng tập luyện, Khải đi bộ lại được 10 km. Theo anh, nên dành ít nhất một tuần tập 2 buổi, mỗi buổi một tiếng với yoga giúp thể chất thư giãn sau một ngày hoạt động mệt mỏi, cơ thể dễ chịu hơn, dễ ngủ hơn.
Người bị thoát vị đĩa đệm đang dần trẻ hóa về độ tuổi do thói quen ít vận động. Thông thường, mọi người thường bị chấn thương rồi mới ý thức chăm lo cho sức khỏe. Từ kinh nghiệm bản thân, Khải khuyên nên phòng bệnh hơn chữa bệnh, chăm tập luyện thể thao vì bản thân anh trải qua nhiều điều trị nhưng chỉ thuyên giảm thôi chứ không hết.
Vũ Ngọc Khải trong một tiết mục múa. Ảnh: tap chi dan ong.
Chia sẻ về chế độ ăn để tập luyện cơ, diễn viên múa cho biết cần bổ sung đủ chất đạm, tinh bột, béo, nước, khoáng trong ngày. Với người thường vận động, luyện thể thao thì đốt cháy calo nhanh thì sẽ tiêu thụ nhiều đạm. Tập luyện xong 45 phút sau nên ăn để bù lại chất đạm đã mất, nếu không bạn sẽ gặp hiện tượng teo cơ.
Khải ăn tinh bột tốt, chất béo tốt thay vì tinh bột và chất béo xấu. Tinh bột tốt gồm gạo có cám, nhiều vitamin B, gạo lức; tránh tinh bột trong đồ ăn sẵn như mì tôm. Diễn viên múa chuyên nghiệp ở Nhật không được ăn mì tôm. Chất béo tốt gồm bơ, cá hồi, cá thu, đậu phộng, hạt hạnh nhân nên được anh tăng cường thay vì đồ chiên sẵn, thức ăn nhanh. Ngoài ra, Khải ăn nhiều rau, uống nước khoáng vì tập mệt quá sẽ nhanh mất mồ hồi, cơ thể thải lượng muối lớn nên cần uống nước khoáng mới bù lại được.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét